Len là loại vải khá quen thuộc với nhiều người dùng, được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực của đời sống từ sản xuất trang phục, thảm trải sàn đến những vật dụng trang trí nội thất. Nhờ sở hữu nhiều ưu điểm nổi trội nên vải len được rất nhiều người dùng ưa chuộng.
Trong bài viết này, Kho Nệm Tổng Hợp sẽ giới thiệu đến bạn đọc vải len là gì?, cũng như những đặc tính và ứng dụng phổ biến của vải len. Hãy cùng tham khảo nhé!
Vải len là gì?
Vải len là gì? Vải len là loại vải được chế tạo từ lông của các loài động vật. Hầu hết mọi người đều nghĩ vải len được sản xuất từ lông cừu. Nhưng trên thực tế, các nhà sản xuất đã sử dụng lông của nhiều loại động vật để chế tạo vải len, chứ không chỉ có lông cừu.
Vải len nổi trội với độ bền chắc và khả năng cách nhiệt tốt. Tùy thuộc vào loại lông chế tạo mà vải len sẽ có những tính chất và hiệu ứng cách nhiệt khác nhau. Bên cạnh đó, vải len còn có khả năng chống cháy cao, giúp ngăn chặn sự lây lan của ngọn lửa, nên được người dùng đánh giá cao.
Nguồn gốc của vải len
Những bằng chứng sớm nhất về sự xuất hiện của len lông cừu là khoảng 8000 năm trước công nguyên. Còn ở châu Âu, len lông cừu đã xuất hiện từ khoảng 4000 năm trước công nguyên.
Cùng với chất liệu vải da và lanh thì len cũng là loại vải dệt rất quan trọng trong đế chế La Mã. Thời Trung cổ, loại vải này còn trở nên quan trọng hơn với đời sống người dân Châu Âu. Vào khoảng năm 1200 sau công nguyên, sản xuất vải len đã trở thành yếu tố chính đối với nền kinh tế tại Ý.
Nhiều gia đình nổi tiếng tại Ý đã sở hữu khối tài sản khổng lồ từ việc sản xuất vải len. Vào những năm đầu thời kỳ Phục Hưng, sản xuất vải len đã lan rộng ra các khu vực còn lại ở Châu Âu, nhưng phải đến thời kỳ thuộc địa, người Châu Âu mới bắt đầu xuất khẩu len lông cừu sang các châu lục khác.
Sau này, sự ra đời của các loại vải tổng hợp, nhu cầu sử dụng vải len giảm mạnh. Tuy vậy, những đổi mới về vải len vẫn tiếp tục cải tiến và không hề bị suy giảm. Các loại vải len cao cấp ra đời có thể giặt máy hoặc giặt khô đã giúp nhu cầu sử dụng vải len tăng trở lại mạnh mẽ.
Phân loại vải len
Vải len lông cừu non
Loại vải này được làm từ lông cừu khi được 6 đến 7 tháng tuổi. Lúc này, lông cừu có độ mềm mịn, khả năng đàn hồi tốt, an toàn và không gây dị ứng. Vì chỉ thu hoạch được một lần và phải chờ khá lâu để có thể thu được đợt lông tiếp theo, nên loại vải này có giá thành khá cao, thường được sử dụng để may các trang phục cao cấp, thời trang cho trẻ em,…
Vải len Merino
Lông cừu sản xuất vải len Merino có nguồn gốc từ Tây Ban Nha. Đây cũng là loại vải len khá đắt đỏ bởi quá trình sản xuất đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Ưu điểm của loại vải len này là độ bền bỉ, khả năng giữ ấm tốt, độ đàn hồi cao, cách nhiệt và an toàn cho làn da.
Vải len Mohair
Loại len này được làm từ lông dê, do sản lượng có hạn nên vải len Mohair có giá thành cao hơn nhiều so với len lông cừu. Vải len Mohair được xem là cứu cánh cho những người ở vùng cực kỳ lạnh, giúp họ vượt qua được những ngày đông rét buốt. Len sẽ được dùng để may các loại áo len, áo khoác, tất, mũ len, khăn choàng,…
Vải len cashmere
Đây là một trong những chất liệu vải xa xỉ nhất hiện nay. Vải len cashmere được làm từ lông tơ của loài dê Cashmere có độ mềm mịn, khả năng giữ ấm tốt nên rất được ưa chuộng sử dụng vào mùa đông.
Vải len lạc đà Alpaca
Loại vải len này được dùng phổ biến để sản xuất các loại áo khoác, áo len hiện nay. Lông lạc đà có độ mềm mịn, sợi dày nên mặc vô cùng thoải mái. Tuy nhiên, loại len này rất dễ bị làm nhái nên bạn hãy thật cẩn thận khi mua.
Vải len lông thỏ
Vải len lông thỏ là dòng len cao cấp và đắt đỏ mà nhiều người dùng muốn sở hữu. Chi phí sản xuất len lông thỏ khá lớn và khối lượng không nhiều nên loại len này có mức giá thành khá cao.
Vải len sợi cotton
Loại len này được làm từ sợi cotton. Ưu điểm lớn nhất của loại len này chính là giá thành vừa phải và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, len sợi cotton còn có độ bền cao và khả năng giữ ấm tốt.
Ưu điểm của vải len
Khả năng giữ ấm trong mùa lạnh
Vải len được xem là lựa chọn lý tưởng cho những ngày đông lạnh giá nhờ đặc tính giữ ấm vượt trội. Tại những quốc gia có khí hậu lạnh, thường có tuyết rơi, gió rét thì những trang phục từ len là không thể thiếu. Vải len được làm từ lông của các loài động vật như dê, cừu, thỏ,… nên có khả năng giữ ấm tốt. Bên cạnh đó, lông động vật còn vô cùng mềm mại và không bị co xát hay dính vào da. Nhờ đó, những vật dụng từ vải len luôn mang lại cảm giác dễ chịu và thoải mái.
Khả năng làm mát vào mùa hè
Không chỉ ấm áp vào mùa đông, vải len còn có đặc tính làm mát vào mùa hè. Thực chất, vải len thường có độ xốp, nhẹ, mát mẻ vào ban ngày và ấm áp vào ban đêm.
Vải len ít bị nhăn
Khi sử dụng vải len, bạn không cần phải mất nhiều thời gian để là phẳng quần áo trước khi sử dụng. Chất vải len mềm mại sẽ hạn chế tình trạng vải bị nhăn trong khi sử dụng.
Chống cháy tốt
Nhờ những đặc tính nổi trội của vải len, cùng kết cấu đan dệt nên vải len có độ chống cháy tốt, ngăn chặn hiệu quả tình trạng cháy lan. Bên cạnh đặc tính giữ ấm, tính thẩm mỹ cao, vải len còn mang lại sự an toàn tuyệt đối khi sử dụng.
Khả năng nhuộm màu tốt
Vải len có thể hấp thụ thuốc nhuộm trực tiếp mà không cần sử dụng hóa chất. Đặc điểm này vừa mang lại nhiều màu vải ấn tượng, vừa bảo đảm an toàn cho làn da, kể cả những làn da nhạy cảm.
Đặc tính thấm hút tốt
Vải len thường xuyên được so sánh với vải cotton về khả năng thấm hút, độ thấm hút của sợi len không hề thua kém so với vải cotton. Chưa kể, vải len còn có độ co giãn và độ đàn hồi cao, nên có tuổi thọ sử dụng lâu bền.
Ứng dụng của vải len
Vải len chủ yếu được dùng để may những trang phục mùa đông nhờ độ bền đẹp, khả năng giữ ấm và vô cùng mềm mại. Vải len có thể dùng để thiết kế nhiều loại trang phục như áo khoác, áo sweater, váy liền,… với sự đa dạng về màu sắc, kiểu dáng.
Loại vải này còn mang đặc tính cách điện, chống cháy tốt nên được ưa chuộng sử dụng trong lĩnh vực sản xuất đồ dùng nội thất. Các loại len chất lượng thấp thường được sử dụng để làm thảm hay các chi tiết cách điện, cách nhiệt. Vải len cao cấp hơn có thể dùng để sản xuất chăn ga gối đệm mang lại sự ấm áp và cảm giác êm ái khi sử dụng.
Qua những thông tin trên đây, hy vọng có thể giúp bạn đọc hiểu được vải len là gì?, cũng như những đặc điểm và ứng dụng của vải len, để lựa chọn được chất liệu phù hợp nhé!