Trong quá trình sử dụng nệm cao su thiên nhiên, nệm của gia đình bạn sẽ không tránh khỏi những lúc bị bám bụi bẩn hay vì một lí do nào đó mà bị ẩm mốc. Bạn sẽ làm gì với những vết bẩn như vậy? Bạn sẵn sàng bỏ ra vài trăm nghìn để thuê các dịch vụ vệ sinh nệm? Như vậy thì thật là lãng phí, tại sao phải thuê dịch vụ trong khi bạn có thể tận dụng những dụng cụ có sẵn trong nhà để xử lí chúng nhỉ? Dưới đây là một số chia sẻ của mình để giúp các bạn tiết kiệm được thời gian và chi phí trong việc vệ sinh nệm cao su thiên nhiên, cùng theo dõi nhé!
Đối với các vết bẩn thông thường
Bạn có chắc rằng, bạn luôn lên giường với cơ thể và quần áo sạch sẽ thì nệm sẽ không bị bám bụi bẩn? Bất cứ lúc nào, bụi bẩn trong và ngoài phòng cũng có thể bám vào nệm, tạo cơ hội cho các vi khuẩn có hại tích tụ và phát triển. Vì vậy, đối với các vết bẩn thông thường như thế này, các bạn có thể vệ sinh nệm theo 2 phương pháp sau:
Dùng nước sạch: Bạn nên áp dụng phương pháp này 4-6 tháng/lần để đảm bảo giữ cho nệm được sạch sẽ và bền lâu nhé.
- Bước 1: Chuẩn bị khăn bông sạch, thấm nước, sau đó vắt khô và lau trực tiếp lên nệm.
- Bước 2: Sau khi lau sạch vết bẩn, bạn có thể để nệm tự khô hoặc tốt hơn là dùng quạt máy hay máy sấy để hong khô nệm. Tránh đem phơi nệm dưới ánh nắng trực tiếp có thể làm cho cao su của nệm bị co rút và làm nệm nhanh hỏng (Lưu ý: Để cho nệm khô hoàn toàn trước khi bọc drap để tránh gây ẩm mốc).
Sử dụng Baking Soda (Các bạn có thể dễ dàng mua được Baking Soda tại các tiệm thuốc tây hoặc các hệ thống siêu thị lớn nhỏ)
- Bước 1: Tháo drap nệm và rắc một lớp bột Baking Soda mỏng lên bề mặt của nệm và đợi trong nửa tiếng (Trong quá trình rắc có thể thêm 2-3 giọt tinh dầu, hương quế để khử mùi hôi).
- Bước 2: Dùng máy hút bụi, hút bỏ lớp bột Baking Soda trên nệm.
Như vậy, với một vài thao tác và công cụ đơn giản, bạn đã vệ sinh sạch sẽ bụi bẩn bám trên nệm của gia đình mình rồi đấy.
Đối với vết ố, mảng bám, các vết bẩn cứng đầu
Công việc bận bịu khiến bạn không thể vệ sinh nệm thường xuyên. Lâu ngày, nệm xuất hiện những vết ố, vết bẩn cứng đầu. Đến khi rảnh rỗi, bạn muốn đem nệm ra giặt nhưng lại không biết phải làm sao với chúng?
Đừng lo, oxy già sẽ giúp bạn đánh bay các vết bẩn cứng đầu chỉ qua các bước đơn giản sau:
- Bước 1: Dùng bông tẩm oxy già lau trực tiếp lên các vết bẩn.
- Bước 2: Lau lại bằng khăn bông ẩm nhúng dung dịch nước muối sinh lí.
- Bước 3: Sử dụng khăn ướt lau sạch lại lần nữa (Nhớ là phải vắt cho khăn ráo nước trước khi lau nhé).
- Bước 4: Để nệm ở nơi thoáng khí và nhiều gió giúp cho nệm nhanh khô. Và, đương nhiên rồi, tránh phơi nệm trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời các bạn nhé.
Vệ sinh vết bẩn do trẻ nhỏ (tè dầm, nôn trớ, đồ ăn vương vãi,…)
Trẻ nhỏ chưa ý thức được hành động của mình, đôi khi, vô tình tè dầm trên nệm cũng là điều rất bình thường. Khi phát hiện bé yêu tè dầm lên nệm, đừng lo nệm sẽ bị hỏng, các mẹ chỉ cần bình tĩnh xử lí vết nước tiểu theo cách sau:
- Bước 1: Dùng khăn lau khô vùng nước tiểu.
- Bước 2: Rắc phấn rơm em bé hoặc Baking Soda lên bề mặt của nệm (Đợi khoảng 10’).
- Bước 3: Sử dụng dung dịch khử mùi (Như Formula 1 Dry Clean,…) phun trực tiếp lên khu vực dính nước tiểu để khử mùi khai (Đợi trong 5’).
- Bước 4: Lau khô bề mặt nệm, rắc thêm 1 lớp bột baking Soda, để khoảng 8h ở nơi thoáng khí và tránh ánh nắng mặt trời.
- Bước 5: Sử dụng máy hút bụi, hút sạch bột Baking soda và lồng drap cho nệm.
Rất đơn giản phải không nào? Từ giờ, các mẹ có thể yên tâm để trẻ ngủ và chơi đùa trên nệm mà không lo nệm bị hỏng do nước tiểu của trẻ nữa.
Ngoài ra, để yên tâm hơn nữa, các mẹ có thể trang bị cho nệm của bé yêu những bộ drap chống thấm, giúp bảo vệ tình trạng nệm bị thấm ướt và có mùi hôi. Với sản phẩm này, giường của bé sẽ luôn được khô thoáng và sạch sẽ.
Vệ sinh mùi hôi và nấm mốc
Mùi hôi và nấm mốc trên nệm là 2 yếu tố gây cho chúng ta cảm giác cực kì khó chịu khi ngủ. Dưới đây là những nguyên nhân và cách giải quyết nhanh gọn mùi hôi và nấm mốc, giúp cho nệm được sạch sẽ và thơm mát, đảm bảo trọn vẹn giấc ngủ cho cả gia đình bạn.
- Trong lúc ngủ, cơ thể người thường tiết ra mồ hôi và thấm vào nệm, gây ra mùi hôi khó chịu. Bạn có thể khử mùi hôi bằng cách hòa Baking Soda với nước rồi vẩy lên nệm, sau đó hãy đợi nửa tiếng để mùi hôi có thể thoát ra ngoài trước khi bọc drap nhé.
- Nếu nệm bị ướt, phải nhanh chóng lau khô càng nhanh càng tốt, tránh để lâu sẽ dễ gây nấm mốc và giảm chất lượng kết cấu cao su của nệm.
- Đôi khi không khí ẩm trong phòng cũng khiến cho nệm của bạn bị ẩm mốc. Nếu có thể, hãy sử dụng máy hút ẩm để giữ cho phòng luôn được khô thoáng.
Nệm cao su thiên nhiên thuộc loại sản phẩm cao cấp, giá thành lại không hề rẻ. Vậy nên, hãy bảo quản và vệ sinh nệm đúng cách để nệm sạch sẽ và bền lâu hơn nhé.
Hi vọng những phương pháp vệ sinh nệm cao su thiên nhiên trên đây có thể giúp bạn tiết kiệm được một khoản chi phí cho gia đình. Chúc các bạn vệ sinh nệm thành công!
Biên tập viên: Thu Thảo